Hội thảo phát triển test đánh giá năng lực nghề nghiệp bằng công nghệ UBT 30/11/2018 10:06

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Huế và thành lập hệ thống đào tạo cấp cứu y khoa”, ngày 26-27/11, Trường Đại học Y Dược Huế đã tổ chức hội thảo “Phát triển test đánh giá năng lực nghề nghiệp bằng công nghệ UBT năm 2018”.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Y tế Mông Cổ, Bộ Lao động Indonesia, các giáo sư của Trường Đại học quốc gia Kyungppook, Gyeongsang và công ty NS Devil, Hàn quốc. Về phía Việt nam có lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo và các chuyên gia từ Trường Đại học Y Hà nội, Trường Đại học Y Dược  Huế và Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực giáo dục y khoa, khảo thí và công nghệ thông tin. 

Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các trường và các tổ chức giáo dục y khoa ở các quốc gia khác nhau có cơ hội học hỏi từ các chuyên gia Hàn Quốc và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong việc xây dựng hiệu quả các test đánh giá năng lực nghề nghiệp trong thời đại ứng dụng công nghệ hiện nay. Đồng thời, xây dựng và tăng cường hợp tác, chia sẻ trong mạng lưới các trường và tổ chức giáo dục y khoa có cùng mục tiêu chung về nâng cao hiệu quả đào tạo, xóa bỏ khoảng cách chênh lệch với sự hỗ trợ của công nghệ UBL/UBT.


Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên thuộc các trường và các tổ chức giáo dục y khoa, khảo thí và CNTT trong và ngoài nước

Công nghệ UBL (Ubiquitous based - learning: học tập mọi lúc mọi nơi) là một thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến của Hàn quốc và đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia như Hàn quốc, Indonesia, Philipines, Nepal, Mông Cổ, Hoa kỳ và một số nước Châu Âu. Công nghệ sử dụng hệ thống mạng kết nối nội bộ với nguồn năng lượng mặt trời và giao diện thân thiện của máy tính bảng; dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí, dễ di chuyển, không bị lệ thuộc vào hệ thống điện và mạng internet như một số công nghệ khác.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế về UBT năm 2018, PGS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Y Dược Huế và Ông Seungyong Shin, lãnh đạo công ty NS Devil đã chia sẻ mong muốn các trường và các tổ chức Giáo dục Y khoa ở các quốc gia khác nhau có có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm cùng nhau tạo ra những bước đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo và giáo dục y khoa, vì mục tiêu chung là nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng.    


PGS.TS.Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế phụ trách phát biểu khai mạc

UBL được giới thiệu và thí điểm ở Việt Nam vào giai đoạn 2012-2014 ở một số trường tiểu học của tỉnh Hải Dương thông qua Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vào đầu năm 2015, thông qua hoạt động của dự án “Nâng cao năng lực cho Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Huế và thành lập hệ thống cấp cứu Y khoa” do Bộ Giáo dục và Quỹ nghiên cứu quốc gia Hàn quốc tài trợ, công nghệ UBL lần đầu tiên được công ty NS Devil giới thiệu và triển khai ở Trường đại học Việt Nam đầu tiên là Trường Đại học Y Dược Huế. Cho đến nay, nhiều khoá tập huấn và phát triển khoá học trong lĩnh vực UBL đã được thực hiện tại Trường Đại học Y Dược Huế cho trên 100 giảng viên thuộc các chuyên ngành y và khoa học sức khoẻ; các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị quản lí về đào tạo và khảo thí. Bên cạnh các khoá đào tạo UBL trong Nhà trường về lĩnh vực y khoa, điều dưỡng; dự án còn có các khoá giáo dục sức khoẻ cộng đồng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.


TS. Nguyễn Thị Anh Phương, Trường ĐH Y Dược Huế trình bày về hoạt động UBT và UBL tại Việt Nam

Trên cơ sở đó, từ năm 2017, Trường Đại học Y Dược Huế với dự hỗ trợ của dự án Huế - Gachon và Công ty NSDevil đã triển khai ứng dụng công nghệ thứ hai là UBT (Ubiquitous based- testing: thi kiểm tra và đánh giá bằng máy tính bảng) tại trường Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Y Hà nội và Viện Đại học Mở Hà nội. UBT là công nghệ dùng để đánh giá, kiểm tra năng lực của người học. Tại Hàn quốc, công nghệ UBT được ứng dụng ở nhiều trường y và khoa học sức khoẻ nổi tiếng, đồng thời là công nghệ thực hiện kỳ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề quốc gia cho các lĩnh vực y khoa, răng hàm mặt, và điều dưỡng. UBT cũng đã bước đầu triển khai ở một số nước khác như Mông cổ, Indonesia, Nepal và  Phillipines.


Đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế Mông cổ chia sẻ về ứng dụng công nghệ UBT trong sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề y khoa tại Mông Cổ


Ông Cavin Shin, đại diện lãnh đạo của Công ty NS Devil, Hàn quốc trình bày hoạt động UBL/UBT trên thế giới

Đại diện cho Bộ Y tế Việt nam, TS. Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục CNTT đã phát biểu chúc mừng các thành tựu ứng dụng KHCN bước đầu tại các các cơ sở giáo dục y khoa trong cả nước và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công nghệ giáo dục trong thời đại 4.0, đồng thời mong muốn có thêm nhiều hoạt động và nghiên cứu trong lĩnh vực này để có những bằng chứng giá trị, chuẩn bị cho các lộ trình phát triển về đào tạo và đánh giá năng lực y khoa của Bộ Y tế theo nghị quyết 20 của TW Đảng trong đổi mới giáo dục y khoa và thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề y khoa quốc gia.


Trao giấy chứng nhận

Trong khuôn khổ hoạt động của hội thảo, BTC đã tổ chức cuộc gặp mặt lãnh đạo các đơn vị tham dự vào chiều ngày 26/11. Các đại biểu đã chia sẻ mối quan tâm và kinh nghiệm của các nước về việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục y khoa, đặc biệt là trong thời đại 4.0 hiện nay. Đồng thời sẽ thành lập một hiệp hội (consortium) gồm các thành viên từ Mông Cổ, Indonesia, Việt nam để hợp tác triển khai, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ UBL/UBT trong đào tạo y khoa và chăm sóc y tế cho cộng đồng, cũng như mở rộng ra các ngành nghề khác.


Cuộc gặp mặt lãnh đạo các đơn vị tham dự


Cuộc gặp mặt lãnh đạo các đơn vị tham dự

Bài viết khác
Tin nổi bật
Thông tin khác
Thông tin khác
Quản lý văn bản và điều hànhĐào tạo trực tuyến E-LearningTrung tâm thông tin Thư việnTạp chí Y Dược họcPhòng Đào tạo Đại họcKhoa DượcBộ môn MắtBộ môn NộiBộ môn NgoạiTrung tâm Nội tiết SS & Vô sinhBộ Giáo dục và Đào tạoTrung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinhViện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồngBệnh viện Trường Đại học Y Dược HuếTrung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế