Tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV 14/05/2021 16:00

1. Họ và tên: NGUYỄN THANH HẢI
Sinh ngày 21 tháng 5 năm 1972
Quê quán: Phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghề nghiệp, chức vụ: Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Kiểm sát viên cao cấp
Ứng cử Đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 02 gồm thành phố Huế và thị xã Hương Thủy

 


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:
   Với vai trò là người đứng đầu ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Chương trình hành động tập trung vào mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa nhân dân với chính quyền nhà nước, chính quyền địa phương và là người đại biểu chân chính của nhân dân. Cụ thể:
   1. Bản thân sẽ luôn nổ lực phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thực hiện đầy đủ và làm tốt trách nhiệm của người đại biểu quốc hội.
   2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị chuyên môn; thực hiện tốt chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị “ Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý”. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với hoạt động điều tra và xét xử đảm bảo các Quyết định, Bản án đều có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, kiên quyết không để lọt tội phạm và không làm oan sai người vô tội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, bảo vệ công bằng, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của của công dân, của tổ chức. Thường xuyên tổ chứctuyên truyền, phổ biến Pháp luật đến nhân dân.
   3. Thực hiện nghiêm chỉnh việc tiếp dân để lắng nghe nhân dân góp ý xây dựng,  đồng thời giúp dân giải quyết và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, ý kiến kiến nghị của cử tri. Trong đó giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực tư pháp, nhất là những đơn khiếu nại về oan sai, bức xúc kéo dài.
   4. Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri. Luôn giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân liên quan đến dân chủ, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân và các vấn đề an sinh xã hội khác.
   5. Thẳng thắn đối thoại, tiếp thu và phản ánh trung thực, kịp thời với Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp ý và xây dựng các đạo Luật, giúp Quốc hội ban hành những chủ trương, quyết sách sát hợp với tình hình kinh tế – xã hội tỉnh nhà, huy động tất cả nguồn lực để thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ chính trị sớm đưa Thừa thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
   Trên đây là chương trình hành động của bản nhân tôi, nếu được cử tri tín nhiệm, bầu làm ĐBQH khóa XV, với cương vị và trọng trách mới, tôi xin hứa sẽ đem hết công sức, trí tuệ để cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước, cũng như tôi có thêm cơ hội để có thể giúp cho tỉnh nhà ngày càng phát triển, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri./.
 
 2. Họ và tên: PHẠM NHƯ HIỆP
Sinh ngày 10 tháng 8 năm 1965
Quê quán: Xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghề nghiệp, chức vụ: Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; Phó Chủ tịch Hội Nội soi và Phẫu thuật nội soi Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương; Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Y
Ứng cử Đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 02 gồm thành phố Huế và thị xã Hương Thủy

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:
   Kính thưa bà con cử tri,
   Trước hết tôi xin trân trọng cảm ơn UBMTTQ Việt Nam tỉnh TT-Huế, cùng lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền…đã tín nhiệm, tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho tôi có cơ hội  tiếp xúc với bà con.
   Bản thân là người con và làđại biểu Quốc hội khóa 14 của TT Huế (2016-2021)Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Hạng đặc biệt Tây y đầu tiên của Việt nam, đồng thời là giảng viên của Trường ĐH Y Dược, nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội của tỉnh lần này, tôi sẽ cố gắng phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệmcủa đại biểu Quốc hội mà nhiệm kỳ vừa qua tôi đã hoàn thành.
   Chương trình hành động của tôi sẽ được thực hiện như sau:
   1. Trong vai trò là đại biểu hoạt động tại Quốc hội và địa phương
   Đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của một đại biểu Quốc hội.
   Liên hệ chặt chẽ và chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo,trả lời những yêu cầu và kiến nghị với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội.
   Thực hiện quyền thu thập thông tin, chất vấn,kiến nghị trong Quốc hội và chính quyền những vấn đề cấp thiết, quan trọng mà cử tri tin tưởng ủy thác, đôn đốc và giám sát việc giải quyết. Báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến, giải thích và hướng dẫn các nghị quyết của Quốc hội, vận động và cùng với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
   Tăng cường tiếp xúc với các vị ĐBQH, chính phủ… để họ hiểu rõ tình hình và ủng hộ địa phương TT Huế, ngành y tế.
   2. Trong vai trò của một Đại biểu Quốc hội công tác trong chuyên ngành:
   Tham mưu cho Quốc hội cũng như giám sát việc thực hiện các vấn đề liên quan đến chính sách, chiến lược y tế tại địa phương cũng như cả nước. Công tác quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh; phòng chống dịch bệnhnguy hiểmtrong đó có Covid 19; vệ sinh, an toàn thực phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, NCKH...
   Tham mưu cho việc phối hợp giữa ngành y tế với BHXH, đảm bảo cho người bệnh tại các Bệnh viện được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất; công bằng giữa phát triển kỹ thuật cao – chăm sóc toàn diện – chi phí y tế.
   Phối hợp tốt ngành Y tế và các Ban ngành có liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh (Covid-19), khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh trong trường hợp xấu nhất.Thực hiện chương trình Quân dân y kết hợp trong bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới hải đảo,…
   Tham gia xây dựng và quyết định các biện pháp thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công; cán bộ, chiến sĩ, bộ đội công tác tại vùng sâu, vùng xa,...An sinh xã hội và xoá đói, giảm nghèo. Bảo vệ và chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
   3. Trong lĩnh vực mà mình đang công tác tại TT Huế:
   Trung tâm y tế chuyên sâu của TT-Huế, được cấu thành bởi 3 thành phần: BVTW Huế, Trường ĐH YD Huế, Sở Y tế TT-Huế, từng đơn vị cần phát huy thế mạnh của mình góp phần đưa TT-Huế trở thành TT đầu ngành về y học tại Việt Nam và thế giới, hoàn thiện thiết chế y tế cơ sở và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao.
   BVTW Huế đã có những đóng góp quan trọng cho việc trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu, thực hiện tốt KL 48 của Bộ Chính trị (2010), bây giờ càng phải phát huy hết vai trò của mình tiếp tục thực hiện thành công NQ 54 của Bộ Chính trị.
   Từ năm 2016 cho đến nay, BV đã và đang tiếp tục xây dựngvà nâng cấp các trung tâm mới: Ung Bướu (200 tỉ + 16 triệu Euro) - nâng cấp TTUB và Y học hạt nhân (200 tỉ), Sản Phụ khoa (300 tỉ),BV Quốc tế giai đoạn 2 (300 tỉ), Mở rộng CS2, Các dự án nước thải, đầu tư trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực… với tổng số vốn khoảng gần 1500 tỉ,… sẽ góp phần thay đổi diện mạo Bệnh viện cũng như chất lượng KCB tại TT-Huế, khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước.
   Duy trì và nâng cao vị thế ngành Y tế của TT-Huế, xây dựng thiết chế: Y tế TT-Huế trở thành một ngành Kinh tế quan trọng; theo NQ 54 của Bộ Chính trị, là “Trung tâm y học cao cấp, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao”. Đảm bảo phát triển bệnh viện ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ,… đến khám và chữa bệnh tại TT-Huế xứng đáng được hưởng thụ các dịch vụ y tế với chất lượng tốt nhất.
   Xin trân trọng cảm ơn quí vị và bà con cử tri.
  
3. Họ và tên: HOÀNG MINH
Sinh ngày 04 tháng 8 năm 1978
Quê quán: Phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghề nghiệp, chức vụ: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ứng cử Đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 02 gồm thành phố Huế và thị xã Hương Thủy



CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:
   Tôi rất vinh dự và vui mừng khi được Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế tín nhiệm, đề cử đại diện cho Ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế và được Ủy ban MTTQVN tỉnh hiệp hương giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.
   Tôi xin dự kiến Chương trình hành động của mình như sau:
   Trước hết, thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết, gần gũi, sâu sát với cử tri, nhất là ở những địa phương nơi mình ứng cử dưới nhiều hình thức như thông qua tiếp xúc cử tri, thực hiện tiếp công dân thông qua công việc và trong cuộc sống đời thường để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của cử tri. Qua đó, thống nhất cùng Đoàn ĐBQH tỉnh phản ảnh trung thực, có trách nhiệm những ý kiến đó với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, giúp cho việc xây dựng các cơ chế, ban hành chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao của Nhân dân.
   Tham gia đề xuất đổi mới phương thức quản lý, cách dạy, cách học, kiểm tra đánh giá nhằm xóa bỏ áp lực trong học tập cho học sinh như áp lực về thành tích, áp lực thi cử, áp lực truyền tải kiến thức thụ động một chiều, dạy thêm, học thêm… Tăng cường hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông và đưa vào đó các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội, xây dựng nét đẹp nhân văn của người Việt Nam nói chung, người Huế nói riêng…
   Tham gia kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có các biện pháp kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể các phản ảnh của học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội về bộ sách giáo khoa mới để có những điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng sách giáo khoa lãng phí...
   Cần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau khi học xong bậc THPT. Để làm tốt vấn đề này, tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng có các nghiên cứu cụ thể, khoa học hơn về xu hướng các ngành nghề, nguồn nhân lực trong thời gian tới để phục vụ tốt hơn cho công tác hướng nghiệp cho học sinh.
   Bản thân sẽ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của đại biểu được Hiến pháp và pháp luật quy định, tích cực thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó tập trung vào các hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp, chính đáng của cử tri.
   Kiến nghị, đề xuất những giải pháp thực tiễn, khả thi để Quốc hội và Chính phủ giải quyết có hiệu quả các vấn đề cử tri quan tâm. Tỉnh Thừa Thiên Huế của chúng ta những năm gần đây, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục được ổn định, kết cấu hạ tầng đang tiếp tục được đầu tư, mở rộng, song tỉnh ta vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, tôi sẽ tích cực tham gia cùng các vị trong Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm việc, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để có sự quan tâm đầu tư cho tỉnh ta; thúc đẩy có hiệu quả các đề nghị, kiến nghị của địa phương để được Trung ương ủng hộ, sớm giải quyết để góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.
   Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XV, tôi sẽ có điều kiện thực hiện tốt Chương trình hành động của mình và cử tri sẽ giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của tôi, để bản thân được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển quê hương Thừa Thiên Huế nói riêng và của đất nước nói chung.
   Xin trân trọng cảm ơn!
 
4. Họ và tên: LÊ ANH PHƯƠNG
Sinh ngày 20 tháng 02 năm 1974
Quê quán: Xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
Nghề nghiệp, chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Huế, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
Ứng cử Đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 02 gồm thành phố Huế và thị xã Hương Thủy
 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:

   Xuất phát từ nhận thức của bản thân về chức năng của Quốc Hội; về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ĐBQH, là người gắn bó hơn 25 năm với hoạt động đào tạo và quản lý đại học; nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XV, tôi dự kiến chương trình hành động của mình gồm 3 nội dung chủ yếu sau:

    1. Làm tốt vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri Tỉnh nhà và cử tri đơn vị bầu cử

   Tận dụng mọi điều kiện, cơ hội để thường xuyên gắn bó sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri. Phản ánh đầy đủ, kịp thời và trung thực những trăn trở, kiến nghị, đề xuất của cử tri với QH nhằm xây dựng Nhà nước, Chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân. Theo dõi và đôn đốc các cơ quan hữu quan của Trung ương và địa phương giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những nguyện vọng, mong muốn cùng như những kiến nghị, khiếu nại của cử tri.

   2. Tích cực đóng góp có hiệu quả vào các hoạt động của QH và Đoàn ĐBQH Tỉnh nhà

   -Tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất các kỳ họp của QH. Đóng góp tích cực năng lực và trí tuệ của bản thân vào hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, nâng cao dân trí. Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện của ĐBQH theo quyền hạn và sự phân công.

   Nghiên cứu, rút kinh nghiệm hoạt động của Đoàn ĐBQH Tỉnh nhà trong các nhiệm kỳ qua để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ này, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động chung của QH để xứng đáng với kỳ vọng của cử tri Tỉnh nhà.

   3. Đóng góp xây dựng, phát triển giáo dục ĐH nói riêng và nền Giáo dục nói chung. Góp phần xây dựng giáo dục Tỉnh nhà xứng đáng với vị thế là Trung tâm Văn hóa, Giáo dục của cả nước, xứng đáng với truyền thống văn hiến của quê hương Thừa Thiên – Huế

   - Với trách nhiệm của một cán bộ quản lý Đại học, tôi sẽ nỗ lực phấn đấu để Trường ĐH Sư Phạm cũng như ĐHH có những bước đột phá mạnh mẽ nhằm tạo sự chuyển biến trong đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý và hoạt động chuyên môn, tạo môi trường tốt cho học tập và nghiên cứu để ĐHH sớm trở thành Đại học Quốc gia, xứng đáng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi đào luyện đời sống tinh thần cho thế hệ trẻ, xứng đáng với truyền thống văn hiến và niềm tự hào của nhân dân Thừa Thiên Huế góp phần đưa xây dựng trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước và Tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương.

   - Là Hiệu trưởng của một Trường ĐHSP trọng điểm Quốc gia, tôi sẽ tích cực, kịp thời phản ánh, đề xuất và kiên trì bảo vệ ý kiến trước QH về các vấn đề cốt lõi của giáo dục như: chính sách cho giáo viên và người học, cải thiện điều kiện giảng dạy để thực hiện thành công đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông; tạo môi trường thuận lợi để giáo viên được phát triển chuyên môn yên tâm công tác, đầu tư hợp lý các nguồn lực phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục, tăng cường cơ hội học tập cho học sinh và sinh viên vùng nông thôn và vùng khó khăn; kết nối doanh nghiệp và định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Xây dựng những mô hình giáo dục tốt được triển khai trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế.

   - Chú trọng và lựa chọn giải pháp phù hợp để đầu tư cho quá trình chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, quản lý, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong trường học, nhằm chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và đào tạo đại học, chủ động gắn kết và đóng góp cùng Chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, sớm đưa kỳ vọng “Thừa Thiên Huế trở thành TP thông minh” trở thành hiện thực.

   Biện pháp để thực hiện chương trình hành động trên: Dựa vào trí tuệ của cử tri, của đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý Đại học Huế, của địa phương, của Đoàn ĐBQH Tỉnh; Xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức Chính quyền địa phương cũng như các cơ quan Trung ương, các Ban của QH vì lợi ích chung của đất nước, của Tỉnh và của Nhân dân.

5. Họ và tên: LÊ HOÀI TRUNG
Sinh ngày 27 tháng 4 năm 1961
Quê quán: Xã Thủy Xuân (Dương Xuân Thượng), thành phố Huế,
tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương
Ứng cử Đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 02 gồm thành phố Huế và thị xã Hương Thủy.

  CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:

   Là người con của Thừa Thiên Huế, tôi rất vinh dự, vui mừng và đặc biệt xúc động được ứng cử làm đại biểu Quốc hội Khoá XV tại quê nhà. Quê tôi tại xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thuỷ, nay là phường Thuỷ Xuân, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

   Vị trí công tác hiện nay và quá trình công tác trước đó là 40 năm trong ngành ngoại giao, trong đó có thời gian là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bí thư Đảng uỷ Ngoài nước nhiệm kỳ 2015-2020 (là Đảng bộ trực thuộc Trung ương) và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở nước ngoài tạo những điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm trong các lĩnh vực đối ngoại, xây dựng chính sách và luật pháp, huy động nguồn lực của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài cho hợp tác phát triển và văn hoá, phối hợp giữa các cơ quan ở trung ương và giữa các cơ quan này với địa phương để tôi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại diện cho cử tri của Tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là đơn vị bầu cử số 2 gồm Thành phố Huế và Thị xã Hương Thuỷ.

   Thừa Thiên Huế là vùng đất nổi tiếng ở Việt Nam, thế giới về lịch sử, văn hoá, cảnh quan đặc sắc và về những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của con người ở vùng đất này. Trong những năm qua, cùng với Tỉnh, Thành phố Huế và Thị xã Hương Thuỷ đã đạt được những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Nghị quyết 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, trong đó đặt mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025 và Nghị quyết ngày 27/4/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mở rộng địa giới hành chính Thành phố Huế tạo những điều kiện lịch sử để toàn Tỉnh vươn lên tầm phát triển mới.

   Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và thực hiện các chiến lược, chương trình phát triển trọng điểm của Tỉnh, Thành phố Huế và Thị xã Hương Thuỷ thì bên cạnh những nỗ lực của địa phương, yêu cầu đặt ra về những chủ trương, chính sách tạo điều kiện của Trung ương và nguồn lực của Trung ương, các doanh nghiệp trong nước và của các đối tác quốc tế là rất lớn.

   Trong những năm qua, tôi đã đồng hành, cố gắng đóng góp vào công tác đối ngoại và phát triển của Tỉnh nhà, trong đó có việc tham mưu đề xuất một số chủ trương của Trung ương, xây dựng đường biên giới hoà bình và phát triển, kêu gọi đầu tư, bảo tồn và phát huy các di sản, tổ chức lễ hội văn hoá. Trong thời gian tới, ở cương vị là Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tôi sẽ đồng hành cùng Tỉnh, Thành phố Huế, Thị xã Hương Thuỷ, nỗ lực trong việc kết nối Tỉnh, Thành phố Huế và Thị xã Hương Thuỷ với Trung ương, các cơ quan trung ương, đề xuất để Trung ương thông qua các cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi về nguồn lực, dự án và tranh thủ các doanh nghiệp trong nước, các Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài về nguồn vốn, tri thức, kinh nghiệm phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Tỉnh, Thành phố Huế và Thị xã Hương Thuỷ, trong đó có: Một là, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, là trung tâm trong 4 lĩnh vực là văn hoá-du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; trong đó, Thành phố Huế cùng Thị xã Hương Thuỷ giữ những vị trí riêng quan trọng; Hai là, hoàn chỉnh, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trong đó có các khu đô thị; phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp mới, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, các ngành thủ công nghiệp truyền thống, thúc đẩy thương mại, trong đó có hệ thống chợ, tiếp thị các sản phẩm của Thành phố; phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, vận tải; đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, di sản; xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống của nhân dân, trong đó có người dân đến nơi ở mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội; Ba là, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, giữ môi trường xanh, sạch, giảm tác động của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở . . .

   Tôi cũng sẽ thực hiện đầy đủ, với tinh thần trách nhiệm cao nhất các nghĩa vụ và quyền hạn của người Đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng luật pháp, giám sát và thảo luận những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá; giữ liên hệ mật thiết và chịu sự giám sát của cử tri, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tôn trọng, tiếp thu và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức liên quan, báo cáo với cử tri kết quả các đề xuất, kiến nghị của cử tri; tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội của Tỉnh trong các công việc của Quốc hội và trong việc đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương các chủ trương, chính sách và đề xuất phục vụ sự phát triển của đất nước, Tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố Huế và Thị xã Hương Thuỷ./.

 

Bài viết khác
Tin nổi bật
Thông tin khác
Thông tin khác
Quản lý văn bản và điều hànhĐào tạo trực tuyến E-LearningTrung tâm thông tin Thư việnTạp chí Y Dược họcPhòng Đào tạo Đại họcKhoa DượcBộ môn MắtBộ môn NộiBộ môn NgoạiTrung tâm Nội tiết SS & Vô sinhBộ Giáo dục và Đào tạoTrung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinhViện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồngBệnh viện Trường Đại học Y Dược HuếTrung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế